Cứ khoảng 1-2 năm, người hâm mộ lại được chứng kiến một cuộc thi úp rổ vô cùng máu lửa và quyết liệt tại chuỗi sự kiện All-Star Weekend. Cũng 1-2 năm sau, Slam Dunk Contest lại trở nên tẻ nhạt vô cùng khi người tham gia đều là những gương mặt vô danh, kèm theo đó là các màn trình diễn kém chất lượng.
Chính vì vậy mà nó dường như đã trở thành một chu kỳ của Slam Dunk Contest. Mọi người cũng đã phần nào quen thuộc với điều đó nên cũng không còn phản ứng thái quá về độ hấp dẫn của cuộc thi úp rổ này.
Tuy nhiên, cách đây 20 năm, All-Star 1998, đó chính là thời điểm NBA quyết định mạnh tay khai tử cuộc thi úp rổ này. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra kể từ khi Slam Dunk Contest ra mắt công chúng vào năm 1984.
Quay ngược lại thời điểm 1998, rõ ràng đó chính là khoảng thời gian đáng thất vọng nhất của cuộc thi này. Những tên tuổi lớn lẫn các gương mặt trẻ đầy triển vọng đều từ chối tham gia. Hiện trạng này cũng không quá đáng ngạc nhiên.
Kể từ sau màn đối đầu huyền thoại năm 1988 giữa Michael Jordan và Dominique Wilkins, cuộc thi này đã bắt đầu hạ nhiệt dần. Mặc dù các thí sinh sau này vẫn thực hiện những cú úp rổ không hề thua kém gì Jordan và Wilkins, thế nhưng thời gian đã khiến chúng trở nên tầm thường. Lần đầu trông thấy vào năm 1988, khán giả có thể kinh ngạc, trầm trồ thán phục. Thế nhưng sau 10 năm, người ta bắt đầu cảm thấy mọi thứ quá quen thuộc.
Thêm vào đó, Slam Dunk Contest 1997 đã là hồi chuông báo tử cho động thái này của NBA. Vào năm 1997, Kobe Bryant, Ray Allen và Michael Finley chính là những gương mặt tham gia trận đấu úp rổ này.
Và sự thật đáng buồn rằng, cuộc thi năm đó là một nỗi thất vọng tràn trề. Chỉ có duy nhất một cú dunk của Kobe Bryant là thực sự khiến khán giả bùng nổ. Còn lại đều không gây được bất kỳ ấn tượng nào. Và Kobe Bryant giành chiến thắng, bởi vì chất lượng cuộc thi quá thấp.
Khi Slam Dunk Contest đã mất đi vẻ huy hoàng của nó, hiển nhiên các HLV sẽ không dại dột cho phép các cầu thủ của mình tham gia vì nguy cơ chấn thương rình rập. Tất cả những điều đó dẫn tới quyết định khai tử cuộc thi úp rổ vào năm 1998, thay vào đó là sự kiện 2Ball Contest.
Nói về 2Ball Contest, đây là cuộc thi ném giữa những cặp gồm 1 cầu thủ NBA và 1 cầu thủ WNBA. Mỗi đội sẽ có 60 giây để thực hiện các cú ném từ nhiều vị trí trong phạm vi nửa sân. Năm đó, bộ đôi Clyde Drexler và Cynthia Coope đến từ Houston đã đánh bại Karl Malone và Tammi Reiss của Utah để lên ngôi vô địch. Trong khi đó, Kobe Bryant và Lisa Leslie lại thua cuộc đầy thất vọng.
Tuy nhiên, chính 2Ball Contest cũng là một sản phẩm thất bại của đội ngũ NBA khi không thể nào hấp dẫn được khán giả. Nó nhanh chóng bị thay thế bới Hoop-It-Up Tournament vào năm 2002.
Và tất nhiên, NBA lập tức nhận ra, thật khó để tìm một điều gì đó để thay thế Slam Dunk Contest. Cuộc thi đã được đưa trở lại vào năm 2000 (1999 không tổ chức All-Star do đình công). Và một lần nữa, những pha úp rổ đỉnh cao năm 2000 đã khiến nức lòng những người hâm mộ khó tính nhất.
Thậm chí, độ hấp dẫn của Slam Dunk Contest năm 2000 còn được đem lên bàn cân để so sánh với kỳ 1988. Những cái tên góp công đem cuộc thi úp rổ trở lại vào All-Star 2000 chính là Vince Carter, Tracy McGrady và Steve Francis. Đây được xem là một trong những kỳ Slam Dunk Contest đỉnh cao nhất của NBA thế kỷ 21.
Đội ngũ NBA đã nhận ra họ cần phải mang cuộc thi này trở lại. Và trong suốt 18 năm qua, mặc dù độ hấp dẫn lên xuống vẫn thất thường, thế nhưng chưa một lần nào Slam Dunk Contest bị khai tử.
Năm nay, với sự góp mặt của gương mặt bại tướng của kỳ All-Star năm ngoái là Victor Oladipo, có lý do để mọi người nghi ngờ về chất lượng của Slam Dunk Contest.
Tuy nhiên, có một bài học mà các tín đồ úp rổ nhận ra rằng, một cuộc đấu Slam Dunk Contest khốc liệt như năm 1988, như thời kỳ của Vince Carter, hay như Zach LaVine và Aaron Gordon 2 năm trước, hoàn toàn xứng đáng với 1-2 năm đợi chờ.