1988, All-Star năm ấy đã để lại cho người dân thành phố Chicago những giấc mơ tưởng chừng như hoang đường nhất. Màn trash-talk huyền thoại của các cầu thủ tham dự Three-Points Contest trong phòng thay đồ, những cú úp rổ vượt qua giới hạn con người, cho đến trận đấu giữa các ngôi sao cùng đầy rẫy âm mưu, tất cả tạo nên một kỳ All-Star đáng nhớ nhất trong lịch sử NBA.
1988, đó không chỉ là biểu trưng cho sự cạnh tranh, tính chất khốc liệt lẽ ra nên có trong các kỳ All-Star. Đó còn là khoảnh khắc Michael Jordan chạm được đến nguyên liệu cuối cùng để hoàn thiện công thức trở thành “cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử”.
Chắc chắn chúng ta vẫn chưa quên được cảm giác sảng khoái khi chứng kiến màn so tài úp rổ đầy khó tin giữa hai cái tên trẻ tuổi là Zach LaVine và Aaron Gordon. Cuộc thi Slam Dunk Contest năm 2016 đã làm sống lại thứ cảm xúc mãnh liệt điên rồ tưởng chừng đã mất đi từ lâu ở các kỳ All-Star.
Cũng giống như Boston Celtics và LA Lakers luôn là đại diện cho hai thái cực trong cuộc đua giành chiếc cúp Larry O’Brien cao quý nhất NBA, Zach LaVine và Aaron Gordon nghiễm nhiên được khán giả gán ghép cho cái chức danh đại kình địch mỗi khi nói về những cú dunk.
Rõ ràng, bản chất cạnh tranh quyết liệt trong sự kiện All-Star cũng tỏ ra không hề thua kém những trận chung kết. Ngược thời gian lại 30 năm trước, ta dễ dàng thấy được tinh thần đó trong màn đối đầu giữa Michael Jordan và Dominique Wilkins tại Slam Dunk Contest 1988.
Đây được xem như màn tái chiến đáng mong chờ của cả hai sau 4 năm. Mùa All-Star 1985, chính Wilkins là người đã đánh bại Jordan trong cuộc thi úp rổ này. Khi ấy, cầu thủ số 23 này chỉ mới là tân binh của Chicago Bulls. Người ta đã mong chờ một trận so tài phục thù giữa cả hai những năm sau đó.
Thế nhưng điều này đã không xảy ra. Năm 1986, Jordan vắng mặt trong kỳ All-Star. Năm 1987, tới lượt siêu tiền đạo của Atlanta Hawks không thể tham gia vì chấn thương. Cho đến tận kỳ All-Star 1988, người hâm mộ mới được dõi theo cuộc đấu kinh điển giữa hai tay dunk bậc nhất thời đại này.
Cả Jordan và Wilkins đều là mẫu cầu thủ sẵn sàng cạnh tranh. Họ hiểu rõ cái thú vị của bóng rổ, cũng như bất kỳ môn thể thao nào khác. Đó chính là tính ganh đua, mặc kệ nỗi sợ thất bại. Càng phải đối đầu với khả năng thua cuộc lớn bao nhiêu, động lực để họ vượt qua thử thách lại càng lớn bấy nhiêu.
Để mở màn, Dominique Wilkins đã khiến cả khán đài Chicago vỡ tung khi tự thực hiện pha alley-oop vào bảng rổ kèm theo cú úp tomahawk đầy uy lực. 50 điểm tuyệt đối cho phần thể hiện của Wilkins.
Jordan lập tức đáp trả với pha đưa banh qua hai chân úp rổ từ phía cánh trái vô cùng kỹ thuật. Ngang tài ngang sức, đó là những gì khán giả thấy được. Jordan cũng thành công khi giành cho mình 50 điểm trong lần đầu tiên.
Wilkins tiếp tục chứng tỏ lần đánh bại Jordan ở All-Star 1985 không phải là may mắn. Cú windmill mạnh mẽ từ đường biên phải đã chinh phục được ban giám khảo và hết thảy khán giả. Vẫn là 50 điểm.
Jordan không thể tránh khỏi áp lực với 2 con điểm tuyệt đối của đối phương. Căng thẳng được đẩy lên cao khi cú úp kế tiếp của anh chỉ đạt 47 điểm.
Mọi chuyện tưởng chừng đã kết thúc khi Wilkins quyết định kết thúc phần thi của mình bằng một pha windmill sở trường. Tuy nhiên, bất ngờ khi cú dunk này chỉ đạt 45 điểm. “Tôi đã nghĩ nó sẽ đạt 50 vì pha cuối chính là cú tốt nhất trong cả 3”, tiền đạo Atlanta Hawks chia sẻ.
49 điểm chính là con số mà Jordan cần để phục thù Wilkins.
Chắc hẳn không ai biết cách khuấy động đám đông như Michael Jordan. Vào thời điểm ấy, người ta thấy Jordan đã nhìn huyền thoại Julius Erving. Cú úp rổ từ vạch ném phạt của Dr. J chính là một cột mốc lịch sử đáng nhớ của NBA. Và khi đó, Erving biết, Wilkins biết, khán giả cũng biết, Jordan chuẩn bị làm một điều gì đó không tầm thường chút nào.
Cầu thủ khoác áo số 23 của Bulls từng bước chậm rãi đến vạch biên cuối phần sân đối diện để bắt đà. Mỗi bước chân của Jordan, tiếng hò reo, bàn tán của khán giả lại ngày một rộn ràng hơn. Tất cả đã chuẩn bị tinh thần để chứng kiến một điều gì đó thay đổi cả NBA.
Cú úp rổ double clutch (hai tăng) từ vạch ném phạt của Jordan đã hoàn toàn nhấn chìm mọi cố gắng của Dominique Wilkins. Đám đông trở nên hoang dại hơn bao giờ hết. Họ biết rõ mình vừa được chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử tại NBA.
Không chỉ được nhớ đến như một trong những phút giây ấn tượng nhất của các kỳ All-Star, cả màn đối đầu của Jordan và Wilkins lẫn cú úp rổ từ vạch ném phạt huyền thoại chính là minh chứng cho một thời đại NBA đầy máu lửa và cạnh tranh khốc liệt.
Đó chính là lý do người ta luôn xem những con người ở thời đại này là vĩ đại nhất. Một thế hệ cầu thủ không lùi bước trước bất kỳ điều gì.
Không phải ngẫu nhiên mà NBA đã thay đổi luật của trận All-Star Game giữa hai miền Đông Tây sẽ diễn ra tại Los Angeles vài ngày tới. Rõ ràng, khán giả đã chán ngấy với những màn tấu hài đậm tính giải trí khi các cầu thủ cứ lần lượt thay phiên nhau cho đối phương ghi điểm. Tập hợp những ngôi sao lại, điều người xem cần không phải là những màn giao hữu hoa mỹ. Họ muốn được thấy giới hạn của bóng rổ, khi tập hợp những con người giỏi nhất hành tinh vào cùng một sân bóng.
Hiển nhiên nếu so sánh với trận All-Star Game giữa hai miền Đông Tây năm 1988, kỷ lục 52 điểm ghi được của Anthony Davis trong cùng sự kiện năm 2017 vừa rồi hóa ra chỉ là trò trẻ con.
Năm 1988 chính là mùa giải thứ 4 Michael Jordan thi đấu tại NBA. Ngay từ khi còn là tân binh năm đầu, Jordan đã thể hiện rõ khả năng vượt trội của mình với trung bình 28.5 điểm mỗi trận, FG% lên đến 51.5%. Không khó để Jordan trở thành mẫu cầu thủ được lòng người hâm mộ, kể cả ở đội đối thủ.
Cựu hậu vệ John Paxson của Chicago Bulls từng nói thế này: “Magic Johnson chính là cầu thủ chơi bóng tốt nhất trên mặt đất này. Nhưng Michael Jordan lại là cầu thủ thống trị bầu trời”. Xem Jordan chơi bóng thật sự khiến người ta chỉ muốn đứng bật dậy khỏi ghế hò reo ầm ĩ.
Ghi nhiều điểm, thi đấu bùng nổ có thể giúp bạn trở thành ngôi sao, nhưng để trở thành một cầu thủ vĩ đại, bấy nhiêu là chưa đủ. Bóng rổ chính là như vậy. Màn trình diễn suốt 3 năm đầu của Jordan là quá đủ để giới chuyên môn xếp khả năng của anh ngang hàng với nhiều huyền thoại khác.
Thế nhưng, theo thời gian, một câu hỏi lớn bắt đầu được đặt ra trong lòng người yêu bóng rổ: “Nếu Jordan thật sự chơi tốt đến vậy, tại sao Chicago Bulls lại không thể qua được một vòng play-off nào?”.
Đúng thế, năm 1985, lần đầu gia nhập NBA, Jordan đã đem play-off trở lại với sân nhà Chicago sau 3 năm vắng bóng. Tuy nhiên, Bulls liên tục để thua toàn tập ngay từ vòng đầu suốt 3 năm liền dưới tay Milwaukee Bucks của Sidney Moncrief và Boston Celtics với những Larry Bird, Kevin McHale, Robert Parish.
Tất nhiên, rất nhiều lý do được các chuyên gia đưa ra, đơn cử như việc Jordan không có cho mình những đồng đội tốt nhất. Thế nhưng, thể thao chân chính sẽ không tồn tại những cái cớ biện minh.
Cần phải nhắc thêm về sự kiện tẩy chay từng làm dậy sóng cả NBA trong kỳ All-Star 1985. Isiah Thomas, hậu vệ huyền thoại của Detroit Pistons cùng với Magic Johnson, tượng đài của LA Lakers cho rằng công chúng đã dành sự chú ý cho Jordan một cách thái quá.
Chính vì thế một thuyết âm mưu được đặt ra trong kỳ All-Star năm đó khi cho rằng Thomas đã cố tình không chuyền bóng cho Jordan, cũng như việc Johnson đặc biệt theo sát Jordan, không cho tân binh này nhận bóng dễ dàng. Thời đại đó, người ta gọi đó là âm mưu “đóng băng Jordan”. Mặc dù là cầu thủ được yêu thích, thế nhưng vẫn có một khoảng cách nhất định giữa Jordan với phần còn lại của NBA.
Jordan không thể nào núp mãi trong cái bóng của một tân binh cháy hết mình được yêu thích, anh phải trở thành một điều gì đó to lơn hơn. Cái Jordan còn thiếu lúc này chính là sự công nhận.
Và đó chính là tình hình của Michael Jordan trước khi bước vào kỳ All Star 1988. Đặt chân đến sân United Center, nơi Jordan đã gắn bó suốt 4 năm nay, anh tự nhủ với lòng mình rằng All-Star lần này, với anh, nó không phải một cuộc dạo chơi.
Jordan đã hoàn thành một nửa mục tiêu của mình khi dùng cú úp rổ huyền thoại của Dr. J để phục thù Dominique Wilkins, đó là quá khứ. Một nửa còn lại chính là tương lai, là điều gì đó mà Jordan sẽ chứng minh trong All-Star Game, trận đấu đỉnh cao giữa các ngôi sao.
Sát cánh cùng những tiền bối như Isiah Thomas, Larry Bird, Dominique Wilkins, đội hình miền Đông của Jordan sẽ phải đối đầu với các ngôi sao miền Tây gồm Magic Johnson, Moses Malone, Hakeem Olajuwon. Kết thúc hiệp 2, miền Đông tạm dẫn với tỷ số 60-54.
Trong phòng thay đồ, đó chính là khi Jordan thể hiện tinh thần cạnh tranh nghiêm túc của mình. Năm 2008, HLV Doc Rivers đã chia sẻ lại khoảnh khắc khi đó. Ông cho biết, Jordan đã thẳng thắn đề nghị, nếu bất kỳ ai tại căn phòng này muốn chơi đùa trong 24 phút kế tiếp, xin đừng bước vào sân.
“Jordan khi ấy đã nhìn HLV Mike Fratello, đề nghị đưa bất kỳ ai vào thay thế vị trí của những cầu thủ không thi đấu nghiêm túc. Vì Jordan sẽ không thua tại nhà thi đấu này”, Doc Rivers kể lại.
Và những ngôi sao miền Đông đã nhấn chìm đội miền Tây với cách biệt 10 điểm khi chuẩn bị bước vào hiệp 4. Isiah Thomas, người từng bị cho là tẩy chay Jordan vào kỳ All-Star 3 năm trước, nay lại góp đến 8 pha assists cho Jordan trong tổng số 15 pha mà hậu vệ này thực hiện được suốt trận đấu. Và cú alley-oop của Thomas đầy tinh tế khi đồng hồ chỉ còn 25 giây đã ấn định điểm thứ 40 cho chiếc áo số 23 của Chicago Bulls.
Thành tích này của Jordan chỉ kém kỷ lục trước đây của Wilt Chamberlain trong một trận All-Star Game đúng 2 điểm. Toàn bộ 11 phiếu bầu của 11 ban giám khảo đều nhất trí rằng Michael Jordan chính là MVP của trận đấu này.
“Tôi đều biết những ngôi sao đó trước đây, họ cũng biết tôi. Trước khi trận đấu diễn ra, chúng tôi đã ngồi ở hậu trường, cười đùa, bàn tán khá vui vẻ về sự kiện. Thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy thật sự được chấp nhận. Những ngôi sao NBA, họ đã chào đón tôi. Thật tuyệt vời khi được gia nhập với mọi người”, Jordan bày tỏ sau trận đấu.
Cha của Jordan cũng chia sẻ với phóng viên Bob Sakamoto: “Thằng bé, nó giống như một kẻ ngoài cuộc từ trước tới giờ. Nhưng sau ngày hôm nay, nó đã được công nhận. Các ngôi sao khác, cuối cùng họ cũng nhận ra điều mà thằng bé có thể làm được cho NBA trong tương lai”.
Hành trình khẳng định mình, trở thành một phần trong hàng ngũ các ngôi sao của Michael Jordan đã thành công rực rỡ vào đêm Chủ Nhật năm 1988 đó.
3 tháng sau, Chicago Bulls đã vượt qua vòng đầu play-off 1988 khi đánh bại Cleveland Cavaliers.
3 năm sau, Chicago Bulls với những đồng đội như Scottie Pippen, Horace Grant và HLV Phil Jackson đã lần đầu vô địch NBA khi đánh bại LA Lakers năm 1991.
30 năm sau, NBA thay đổi luật thi đấu All-Star Game và mọi người lại nhắc về một Michael Jordan từng khiến cả NBA câm lặng trong kỳ All-Star 1988.
Đó chính là một phần tương lai mà Jordan mong muốn được xây dựng cho Chicago Bulls sau khi được công nhận.
Có tin hay không, thì All-Star Game đã từng diễn ra đầy hấp dẫn và ý nghĩa như thế.